Người đàn ông mang tên Ove

Nếu chỉ còn sống 10 phút nữa thì bạn sẽ làm gì?

Trong vài công việc mình làm thì câu trả lời “đúng bài” sẽ là kiểu: tôi sẽ gọi điện cho bố/mẹ/con cái, hoặc làm điều gì đó quan trọng nhất trong đời.

Thế nhưng nếu hỏi câu này với ông Ove (đọc là U-vê) trong cuốn “Người đàn ông mang tên Ove” thì bạn sẽ nhận được cuộc đối thoại sau:

– Tức là 10p sau tôi sẽ chết à?
– Vâng.
– Không thể nào. Tôi còn khoẻ thế này cơ mà.
– Chỉ là giả sử thôi mà.
– Giả sử kiểu quái gì thế! Hết chuyện giả sử rồi à?
– … (nhún vai bất lực)
– Thôi được rồi. Cứ cho là tôi sẽ chết sau 10p nữa. Thế vì sao tôi chết?
– Bác…à…ờ… tự tử ạ.
– Tự tử à? Bằng cách nào?
– À…treo cổ ạ! Và trước khi treo cổ 10p thì bác làm gì ạ? (cố gắng lần nữa!)
– Làm gì trước khi treo cổ à? Còn làm gì nữa… Chắc chắn là tôi phải treo sợi dây lên xà nhà. À khoan đã, nhà tôi không có xà, cũng không có chỗ nào treo dây được. Vậy là tôi phải gắn một cái móc nữa. Để xem gắn ở chỗ nào thì được nhỉ! Chắc là phải gắn lên trần rồi. Thế mới treo cổ được chứ.
– Vâng, vâng. Coi như bác đã gắn xong cái móc, rồi treo sợi dây luôn rồi ạ. Thế rồi bác làm gì?
– Tất nhiên phải kiểm tra xem dây có chắc không. Mục tiêu là tôi phải chết đúng không. Thế thì dây phải thật chắc, không được mua dây đểu. Thời nay chả có gì dễ dàng đâu.
– …. (thở dài bất lực)
– Nhưng khoan! Nếu treo cổ phiền toái thế thì chắc chắn tôi sẽ không chết bằng treo cổ. Chả ai đi làm bằng ấy việc chỉ để chết. Tôi sẽ chết kiểu nào gọn nhẹ nhất… Ừmmm. Đâm vào tàu hỏa hoặc mua khẩu súng bắn pằng 1 phát chẳng hạn.
– …. (lại thở dài bất lực)

Và thế là câu chuyện về nửa đời còn lại của người đàn ông mang tên Ove bắt đầu!

Châu Á Thần Kỳ – Michael Schuman

Đọc được cuốn sách hay thì sướng. Thú vị ở chỗ, mỗi cuốn hay lại làm mình sướng theo một cách khác nhau. Phổ biến là sướng ít sau đó từ từ nhiều lên. Vài cuốn thì ngược lại, nhiều trước rồi giảm dần. Lại có vài cuốn khác thì sướng kiểu hình sin (như mấy cuốn của Malcolm Gladwell). Hoặc có cuốn chỉ sướng khúc giữa còn 2 đầu chán phèo. Nhưng loại sướng mình thích nhất là chịu đựng rồi đùng một phát, sướng đến hết sách. Cuốn “Châu Á Thần Kỳ” của Michael Schuman thuộc loại đó.

Sau phần đầu hơi lòng vòng giải thích này nọ mất hẳn 150 trang thì phần còn lại là 13 câu chuyện điển hình chứng minh cho nhận định “thần kỳ” về Châu Á của Michael Schuman. Mỗi câu chuyện đầy ăm ắp những chi tiết bất ngờ, riêng tư, đôi khi khá hài hước và mang tính giai thoại.

Có nhiều cuốn sách kể chuyện về các chính trị gia, doanh nhân, nhưng “Châu Á Thần Kỳ” chắc chắn vượt hẳn lên phần lớn đồng loại. Điều khác biệt là mức độ tin cậy của thông tin, hay chí ít là công sức thu thập dữ liệu và kết nối chúng thành câu chuyện của một nhà báo quốc tế kỳ cựu. Thường xuyên xuất hiện trên Time, Wall Street Journal và nhiều tờ báo uy tín khác, tên tuổi của Michael Schuman gắn liền với Châu Á. Sau mỗi câu chuyện ông kể là một sớ dài thườn thượt những chú thích nguồn tư liệu được sử dụng. Dù điều này khiến tiền in sách tăng vọt nhưng hẳn là sẽ không ai phàn nàn gì.

Sách hay, nhưng thành thật mà nói thì “Châu Á Thần Kỳ” thuộc nhóm sách dành cho giới cầm quyền hoặc kiểu thế. Phần còn lại đọc để gom góp thông tin chém gió là chính, rất ít điều có thể áp dụng. Trong số ít đó thì cảm hứng về sự kỷ luật, kiên trì, khiêm tốn là nổi bật nhất, xuất hiện trong hầu hết các câu chuyện.

Vậy nên đọc xong hơn 1000 trang rồi thì lo mà chăm chỉ làm việc của mình. Cả ngày bán “than” thì khó mà mong VN sẽ trở nên “thần kỳ”.

Dấn thân – Sheryl Sandberg

Từ trước khi cưới, vợ chồng mình suy nghĩ nhiều về chuyện con cái. Trong vô số câu hỏi, có một câu quan trọng vừa vừa là: Con trai hay con gái?

Bọn mình thì cóc quan tâm đến mấy lý do vớ vẩn như nối dõi tông đường, “có thằng chống gậy”, các cụ trong nhà bắt phải thế,… Chỉ cần nó không vất vả là được!

Hai vc làm nhanh một phép so sánh giữa con trai và con gái. Kết quả sơ bộ (theo mình nhớ) thì thế này:
1. Mỗi tháng mất máu 7 ngày (thế mà không chết!)
2. Sức khỏe yếu hơn đàn ông
3. Bị mặc nhiên phải lo việc nhà.
4. Bị mặc nhiên phải chăm sóc con cái
5. Mang thai và đẻ
6. Ra đường nguy cơ gặp nguy hiểm cao hơn đàn ông
7. Nguy cơ bị quấy rối
8. Không đẹp
9. Bị “công dung ngôn hạnh” đè tập 1
10. Bị “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đè tập 2
11. Dễ bị cuốn vào những thói quen tiêu cực như ganh ty, ngồi lê đôi mách.
12. Làm việc trong những lĩnh vực ít có khả năng trở thành lãnh đạo
13. Sức ép lấy chồng
14. Có xu hướng tự ti hơn so với đàn ông
15. Nhiều cảm xúc hơn đàn ông

Điều éo le là hầu hết những vấn đề phụ nữ gặp phải thuộc về bẩm sinh (tâm, sinh lý) và tác động không thể cưỡng lại của số đông trong xã hội, nghĩa là cho dù cha mẹ có 3 đầu 6 tay cũng không thể giúp ích gì nhiều cho con cái.

Sheryl Sandberg – COO của Facebook có một con gái. Có thể đó là lý do của bài nói chuyện nổi tiếng “Why we have too few women leaders” tại TED Talk, của cuốn sách best-seller “Lean in” (tựa Việt là “Dấn thân”) và những đấu tranh cho nữ quyền của bà vài năm gần đây.

“Dấn thân” gửi gắm thông điệp “Bình đẳng giới chỉ có khi số lãnh đạo là phụ nữ trên thế giới tăng lên ngang bằng với đàn ông”. Sandberg cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cá nhân để phụ nữ có thể thăng tiến trong sự nghiệp và trở thành lãnh đạo.

Cá nhân mình không đồng ý với cách làm kiểu “top-down” của bà. Bởi để trở thành một lãnh đạo, phụ nữ phải vượt qua (1) những vấn đề chung của phụ nữ, (2) những vấn đề của xã hội và (3) vượt qua đàn ông. So sánh nhanh: đàn ông trở thành lãnh đạo chỉ cần vượt qua những thằng đàn ông khác.

Và thật ra, mình nghĩ rằng bình đẳng giới theo kiểu phụ nữ cần có vị thế ngang bằng với đàn ông là hoàn toàn trái tự nhiên. Đực và Cái là hai giống khác nhau, không thể so sánh với cùng tiêu chuẩn.

Công bằng cần đấu tranh là cả hai giới đều có sự tự do như nhau trong việc đưa ra những lựa chọn và quyết định cho cuộc đời. Và vì phần lớn phụ nữ đang không có thói quen đó nên đàn ông (lại một lần nữa) là người quyết định, bằng cách khuyến khích phụ nữ đưa ra lựa chọn của chính mình.

Không biết bạn thì sao, còn mình thì bắt đầu mỗi ngày bằng câu hỏi “Cưng muốn ăn gì?”

Tại sao con phải đi học?

– Bố ơi, tại sao con phải đi học?
– (Hít sâu, thở hắt ra) Thế này nhé. Có thể con sẽ khó hiểu, hoặc chẳng hiểu gì cả, nhưng bố cũng cứ nói. Vài năm nữa con hỏi lại và bố sẽ nói lại, lúc đó hi vọng mọi thứ rõ ràng hơn.

Đây là hình con mới sinh ra. Đây là lúc con biết đi. Còn đây là lúc con đi học. Con thấy đấy, mỗi vài năm, con sẽ lớn lên như thế. Kèm theo là con sẽ nghe thấy, nhìn thấy và nói chuyện với nhiều người hơn nữa, thay vì chỉ có bố, mẹ, bà nội, bác Tồ, chị Su… như bây giờ. Khi đó con sẽ có nhiều câu hỏi, giống như câu con đang hỏi bố này. Có câu khó, có câu dễ, nhưng rủi thay, con phải tự mình trả lời chúng. Sẽ có vài người góp ý này nọ, nhưng họ không phải là con, đừng để ý.

Con phải trả lời bằng cách liệt kê ra những lựa chọn có thể có, rồi chọn 1 trong số đó. Việc liệt kê ra các lựa chọn chẳng gây ảnh hưởng gì, nó đơn giản là các suy nghĩ đầu con thôi. Nhưng khi con chọn 1 điều cụ thể, sẽ có những thay đổi trong cuộc sống của con, với những người bên cạnh con. Ví dụ như chuyện con chỉ thích chơi với cô giáo đẹp nhất trường chẳng hạn. Bố sẽ… à mà thôi.

Cùng với bố mẹ, đi học sẽ giúp con luôn có thói quen góp nhặt thông tin cần thiết cho cuộc đời mình, sáng suốt khi liệt kê các lựa chọn, tỉnh táo đưa ra quyết định và dũng cảm kiên trì với quyết định của mình.

Nghe phức tạp, lùng bùng quá phải không? Đừng lo, con sẽ ổn thôi. “Tại sao” thường là câu hỏi khó, rất khó. Nếu con dũng cảm hỏi thật điều khó thì con sẽ ổn thôi.

Tóm lại, nếu con không đi học, thì sẽ không được chơi xe hơi, không xem máy bay, không được đi vòng vòng, không gặp chú Uber, không được nì nì nữa… Ok?

Học cách để trở nên tinh tế

“7200 mũ vành mềm, không bị thổi bay trong gió; 160 bánh xe từ những chiếc tàu đã phát chóng mặt vì đi vòng quanh thế giới; 245 đèn tàu soi xuyên làn sương mù dày mờ như súp đậu; 12 máy điện tín chạy điện méo mó dưới bàn tay chắc khỏe của những thuyền trưởng hay la lối; 256 la bàn không bao giờ xoay về hướng Bắc;”

Đó là phần miêu tả những món đồ vật trong một tiệm tạp hóa. Với mình thì đây là đoạn văn ấn tượng nhất trong cuốn Con Mèo Dạy Hải Cẩu Bay. Vì sự tinh tế.

Hai năm trước, nhóm sách chọn đọc cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Khi viết review, mình nghĩ mãi chẳng biết bắt đầu thế nào. Chán, lục hình người yêu cũ ra xem thì bật ra ngay phép so sánh cách miêu tả của Nguyễn Tuân với khả năng chớp khoảnh khắc của máy ảnh. Bất kể là tả người, tả cảnh hay đồ vật, chỉ một câu đủ vẽ nên bức tranh sống động. Vì ổng dư thừa sự tinh tế.

Trong cái của nợ công nghiệp 4.0, AI (trí thông minh nhân tạo) là cột trụ quan trọng. Nhưng mình tin rằng dù phát triển đến mấy thì sự tinh tế là thứ mà AI không thể thay thế con người.

Hi vọng một đứa trẻ chưa đầy 18 tháng nếu biết chơi với ánh nắng mai xuyên qua khe cửa thì sau này sẽ biết học cách để trở nên tinh tế.

Passengers (2016)

Khi ăn đu đủ, mình thường cắn 1 phát ở phần cuống, sau đó cắn tiếp 1 miếng phần đầu. Thói quen này hình thành khi bạn ăn đu đủ đủ nhiều, đủ để gặp vài quả chỉ ngon ngọt ở phần đầu, còn phần cuống thì nhạt toẹt. Loại này mình gọi là đu 1/2 (chứ không phải đủ)

“Passengers” với Jennifer Lawrence và Chris Pratt đóng vai chính, may thay, có phần đầu ngon ngọt, đủ để khiến khán giả tặc lưỡi xem nốt phần cuối nhạt toẹt.

Phim kể về chuyến du hành di cư của 5000 người Trái Đất đến một hành tinh mới toanh. Chuyến đi mất đến 120 năm mới đến nơi, do đó tất thẩy hành khách và phi hành đoàn được bỏ vào hòm ngủ đông.

Rủi thay, khi mới đi được 30 năm thì tàu gặp sự cố và người đàn ông bị/được đánh thức. Anh này, lại rủi thay, có mức nam tính hơi nhiều quá mức. Sau 1 năm trời FA vật vã, ảnh vô tình đi ngang hòm ngủ đông của một em tóc vàng, ngực bự, mặc đồ bó và mắt khép hờ…

Lẽ ra, bí mật động trời giữa anh chàng và cô nàng đó cần phải được khai thác sâu hơn nữa, phải cao trào hơn, phải dằng xé hơn, phải giải quyết đúng kiểu sang trấn tâm lý… Thì oạch một cái, đạo diễn chuyển hướng, đẩy con tàu chết tiệt vô tri vô giác thành nhân vật chính. Anh Chris, chị Jen vừa mới setup nét mặt, ánh mắt để chuẩn diễn tâm lý thì ngay lập tức cất vô kho, hò hét nhau chạy xịt khói, sml để sống sót và cứu hàng ngàn mạng người khác.

Ăn trúng trái đu 1/2 thì phải cắn nửa miếng ở cuống, cắn tiếp nửa miếng ở đầu cho cân bằng vị giác. “Passengers” không tệ, nhưng vì bạn không thể cắn nửa này nửa kia nên cảm giác chung là không hài lòng, nhất là khi biết Morten Tyldum cũng chính là đạo diễn của “The Imitation Game” từng nhận 8 đề cử Oscar 2015 (trong đó có đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất).

Mad Max: Fury Road (2015)

Thông thường, sau khi xem phim, bạn sẽ nhớ đoạn kịch tính nào đó hoặc gương mặt siêu sao hoặc một câu thoại “đinh”, rất ít phim khiến bạn nhớ về khung cảnh, địa điểm nơi diễn ra câu chuyện. “Mad Max: Fury Road” nằm trong số ít đó. Nếu ai đã xem “Interstellar” (cùng vài phim khác về không gian như “Apollo 13”, “Gravity”) và nghẹt thở với khoảng không bao la vô cùng tận của vũ trụ thì xem “Mad Max”, bạn sẽ có cảm giác khé cổ, nghẹn họng, môi khô khốc bởi một trái đất chỉ toàn cát, đá và muối!

Dữ dội, tàn khốc, điên cuồng, thê lương, bệnh hoạn, tởm lợm, đinh tai nhức óc là những cảm giác mà bạn sẽ “tận hưởng” suốt 2h của “Mad Max”, nhưng chính trong mớ hỗn độn đó, những câu thoại về HI VỌNG và những khoảng trầm lắng hiếm hoi giữa cuộc chiến trở nên “đắt” hơn bao giờ hết.
Mình từng rất ngưỡng mộ Charlize Theron sau cú đúp Oscar lẫn Địa cầu vàng Nữ chính trong phim Monster (2004) và vai bà mẹ đơn thân đấu tranh chống nạn quấy rối tình dục ở khu mỏ trong North Country (2006). Nhưng sau đó, chả hiểu sao lại thấy nàng xuất hiện trong những phim tầm phào, nhạt nhẽo, lãnhg phí tài năng như “Hancock” và nhất là cực kỳ vớ vẩn như “A Million Ways to Die in the West”. Khi xem thông tin về “Mad Max”, mình tự nhủ, nếu dở thì đây là phim cuối cùng của Charlize mà mình xem. Cảnh Furiosa quỳ xuống, thẫn thờ giữa sa mạc mênh mông và gào lên tuyệt vọng khi biết “nhà hóa ra không phải là nhà” knock-out mình hoàn toàn!

Tom Hardy, lại một lần nữa cho thấy anh chuyên trị những vai diễn kiểu “người hùng bất khả chiến bại, bề ngoài cục súc, nội tâm ẩn chứa phức tạp và thi thoảng nói một câu chết người”. Từ võ sĩ võ tự do trong “Warrior”, rồi gã quái vật bịt mặt Bane trong “The Dark Knight Rises”, rồi tay anh chị buôn rượu lậu trong “Lawless”, rồi tay sát thủ mặt lạnh trong “The Drop” và giờ là Max “Điên” đều chứng minh vai diễn kiểu này là đo ni đóng giầy cho Tom Hardy. Câu thoại “Hi vọng là một sai lầm. Khi nó vỡ vụn ra, nếu cô không biết cách vượt qua, cô sẽ phát điên”, dù cảnh sau đó hơi “sến” nhưng vẫn là một trong những đoạn khiến khán giả cực kỳ thấm.

Với mình thì Nux mới là vai diễn hay nhất trong “Mad Max”. Bạn nào đã xem phim, có để ý sự biến đổi, chuyển hóa đôi môi của Nux từ đầu đến lúc cậu ta chết không? Một ẩn dụ cực kỳ ấn tượng. Anh chàng này cũng sở hữu những câu thoại chứa nhiều ẩn ý (mình ko dịch, vì dịch thì không còn tính ẩn dụ): “I live, I die. I LIVE AGAIN!, “Oh what a day, what a lovely day!”, “If I’m gonna die, I’m gonna die historic on a fury road!”. So với Jack giết người khổng lồ trong “Jack the Giant Slayer” và tên ma cà rồng yêu bữa tối của mình trong “Warm Bodies” thì Nux ấn tượng hơn rất nhiều. Hi vọng là những vai diễn sắp tới của Nicholas Hoult sẽ tiếp tục đà đi lên.

Túm lại, “Mad Max: Fury Road” rất đáng xem. Không phải vì những lý do kể trên đâu, mà vì điểm IMDB tới 8,9 lận. Đại để là sau khi xem phim về thấy IMDB cho điểm như vầy thì mình chả còn nhớ những chi tiết dở của nó nữa!

Diệp Vấn 3

Lý Tiểu Long làm mồi

Xuất hiện chỉ khoảng 5 phút cộng với thông tin hành lang sẽ có phần 4, ý đồ dùng LTL làm “mồi” cho phần tiếp theo là quá rõ. Nhưng mồi này có vẻ chưa đủ. LTL không đóng vai trò gì trong mạch chuyện để dẫn dắt một cách hấp dẫn qua phần sau. Nếu anh Đơn giữ đúng lời không đóng tiếp thì phần 4 e là ế.

Vĩnh Thành nên có nhiều đất diễn hơn từ tập 1

Phần đất diễn của Vĩnh Thành có cảm giác bị đạo diễn ép cắt từ phần 1, chuyển sang phần 3. Nếu ngay phần 1, lồng ghép được những đoạn sâu lắng, xúc động của phần 3 thì có lẽ tập đầu tiên sẽ thành công lớn hơn nhiều. Thành ra, 3 phần phim giống như ăn cơm thịt kho với dưa leo, nhưng mà không cùng lúc. Ăn thịt kho trước, nhai nuốt rồi ăn dưa leo, nhai nuốt rồi cuối cùng mới ăn cơm. Kiểu gì cũng vào bụng, nhưng thấy tưng tức!

Mike Tyson gượng gạo

Nói chung, từ đầu thấy tên lão này là biết dùng để câu view rồi. Cảnh xuất hiện diễn xuất gượng gạo thì coi như bỏ qua, nhưng mà tình tiết hơi hiền, làm người xem dễ đoán được phần quan trọng là trận đấu với Diệp Vấn. Chắc vì giữ thể diện cho khách mời.

Gã họ Trương và cả phim lùng bùng

Xét về tổng thể, xem xong phần 3 về thấy lùng bùng. Không có bộ khung chắc chắn, dù dễ đoán nhưng vẫn hào hứng và khiến người xem nổi máu như phần 1 và 2. Bối cảnh lịch sử không rõ ràng. Nhân vật mỗi người nổi một tí. Trận đánh vừa phải, ít gây cấn. Có khi nào đây là đoạn kết sót từ phần 2 rồi ghép đoạn giới thiệu của phần 4!?

Túm lại, hỏi có thích không thì vẫn thích. Nhưng chủ yếu là do chị Vĩnh Thành thôi. Phần nhỏ nữa là vẻ già (không biết thật hay diễn) rất thật của anh Đơn. Đoạn chị ý ngồi lim dim nhìn ảnh oánh mộc nhân nên kéo dài thêm 10-20 giây nữa thì tuyệt!

Warrior (2011)

9/10 phim đấu võ đài của Mỹ đều có cốt chuyện thế này “Tại một giải đấu (vô tình hay cố ý) ít luật lệ nhất, quy tụ những võ sĩ giỏi nhất, tiền thưởng nhiều nhất (thắng ăn hết), nhân vật chính là kẻ vô danh lần lượt đánh bại những tên tuổi lừng danh để lên ngôi vô địch”.

Warrior còn làm hơn thế. Đây là phim đấu võ đài hiếm hoi mà bạn không muốn có người thua trong trận chung kết!

Lẽ dĩ nhiên, một phim được IMDB chấm 8.3/10 thì phải có một cốt chuyện đáng xem. Nếu Rocky là câu chuyện “nhà vô địch của tầng lớp bình dân”, Cinderella Man “thượng đài vì cơm ăn áo mặc của gia đình”, Million Dollar Baby là sản phẩm của “một HLV khác người” thì Warrior là 3 trong 1 một cách logic, kịch tính và đầy cảm xúc.

Chuyện Phim

Người cha, một cựu võ sĩ đang cai rượu, Paddy (Nick Nolte) gặp lại con trai út là Tommy, một lính thủy đánh bộ (Tom Hardy) sau 14 năm. Dù vẫn rất hằn học cha vì những gì đã gây ra trong quá khứ, nhất là cái chết của mẹ nhưng Tommy vẫn đề nghị Paddy làm HLV để tập luyện tham dự Sparta, giải đấu võ đài tự do có giải thưởng 5 triệu USD.

Trong khi đó, Brendan (Joel Edgerton), người anh, là giáo viên trung học tận tụy nhưng đồng lương ít ỏi không đủ trang trải những hóa đơn và buộc phải quay lại những trận đấu võ tự do ở các quán bar, điều mà Paddy đã dạy anh và Tommy rất tốt (thậm chí quá tốt!) từ khi còn nhỏ. Nhưng chiến thắng vài trăm đô tại những trận đấu làng nhàng đó không giúp Brendan giảm các khoản nợ, ngược lại, nó khiến anh mất việc khi bị nhà trường phát hiện. Và giải đấu 5 triệu USD trở thành kế hoạch khả thi duy nhất của Brendan.

Sau khi vượt qua những đối thủ sừng sỏ một cách đầy kịch tính và “kinh điển”, hai anh em, vốn bị chia lìa từ nhỏ (mẹ bỏ trốn mang theo Tommy, Brendan sống với Paddy) gặp nhau trong trận quyết đấu. Họ sẽ tung ra những đòn chí tử không phải để chiến thắng 5 triệu USD nữa, mà là tìm lại mối quan hệ ruột thịt vốn đã bị che mờ bởi những quá khứ u ám.

Diễn Xuất

Một nữ phê bình phim của trang About.com nói về Warrior thế này “Ngoại trừ ở Olympic, còn lại thì tôi rất ghét quyền anh, vật và đặc biệt là võ tự do. Tôi chưa bao giờ xem một trận đấu võ tự do nào bởi tôi không tiêu hóa được lý do họ thậm chí có thể đánh vỡ sọ một người xa lạ chỉ vì tiền. Chính vì thế, ban đầu tôi không chú ý đến Warrior. Nhưng bạn biết đấy, không nên đánh giá cuốn sách qua cái bìa.”

Khuôn mặt dữ dội kiểu Anh với cái cằm bạnh ra ngang tàng và cơ vai gồ ghề, Tom Hardy có một thể hình hoàn hảo của một cựu thủy quân lục chiến, một võ sĩ, một máy đấm. Nhưng bề ngoài sẽ vô nghĩa nếu Hardy không thể hiện được một Tommy “quái vật”, một người bị ám ảnh bởi tuổi thơ đầy bạo lực, tiếp tục trưởng thành trong một môi trường bạo lực và sử dụng bạo lực như một cứu cánh, một phương thuốc cho những vết thương chưa bao giờ lành.

Bản nhạc hay bởi những khoảng lặng. Nếu chỉ có đánh đấm thì Hardy sẽ giống như Steven Seagal hay Jean Claude Van Damme trong những bộ phim thừa mứa cơ bắp và gượng ép cảm xúc. Cũng với Nick Nolte, một diễn viên kỳ cựu sở hữu 2 đề cử Oscar Nam chính, những cuộc trò chuyện giữa hai cha con trở thành khoảng lặng rất đắt trong khúc tráng ca Warrior. Cảnh Tommy ôm, vỗ về và ru Paddy trong cơn hoảng loạn có thể lấy nước mắt của hầu hết khán giả.

Joel Edgerton. Lý do duy nhất khiến vai diễn của anh “chìm” hơn so với Hardy và Nolte là nó quá “kinh điển”. Giống như Cinderella Man, vai Brendan là một người đàn ông hết mình vì gia đình. Một người đã vượt qua quá khứ bất hạnh để có một cuộc sống bình thường. Cho đến gần cuối phim, vì không có sự ngang tàng, dữ dội và câu chuyện kịch tính như Tommy nên Brendan chỉ là một người “tốt”, vừa đủ để khán giả gật gù cảm thông. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi giải đấu đi đến trận bán kết và đỉnh điểm là trận chung kết. Brendan trở thành nút thắt cho mối quan hệ anh em, cha con và sự cứu rỗi cho cả Tommy lẫn Paddy.

Nadia Elena Comăneci – Lần đầu tiên hoàn hảo trong lịch sử Thế vận hội

84 năm, 28 kỳ tổ chức, từ 1932, hãng đồng hồ Omega là nhà cung cấp mọi thiết bị đo, bảng điểm điện tử, camera theo dõi,… trong các môn thi đấu tại Olympic. Điều đó chứng mình tính chính xác của các thiết bị từ Omega. Chỉ duy nhất một lần, Omega bị một phen tẽn tõ. Người chơi khăm Omega sml là một cô bé mới 15 tuổi – báu vật quốc gia của Rumani.

Nadia Elena Comăneci sinh ra là để trở thành VĐV thể dục dụng cụ. Khi mới 6 tuổi, cô bé đã vượt qua kỳ khảo sát của vị HLV nổi tiếng khắt khe của trường Thể thao Onesti (Rumani), Bela Karolyi. Chỉ một năm sau, Nadia có mặt trong đội TDDC trẻ của Rumani. Thêm một năm nữa, cô bé đã là thành viên trẻ nhất trong đội TDDC quốc gia.

Cho đến trước Olympics lần thứ 21 tại Montreal năm 1976, Nadia đã gây tiếng vang lớn khi giành hàng loạt huy chương tại những giải TDDC trong nước và quốc tế. Thậm chí cô được hãng thông tấn United Press International trao tặng danh hiệu “Nữ VĐV của năm 1975”. Cũng chính tại Montreal 1976, cô bé khiến Omega phải đưa ra thay đổi lịch sử trong cách tính điểm tại Olympic với môn TDDC.

Nadia khởi đầu ở Montreal với môn thi sở trường: Xà lệch. Những cú tung người, những pha chuyển xà, hàng loạt động tác hình thể đẹp mắt khiến bình luận viên đã thốt lên “cô ấy như bơi trong không trung”. Khi Nadia kết thúc bài biểu diễn bằng cú tiếp đất chuẩn không cần chỉnh, cả nhà thi đấu vỗ tay rào rào rồi ngay lập tức im phăng phắc chờ số điểm trên màn hình điện tử. Tổng số điểm là 1.00! Không ai tin vào mắt mình! Một màn trình diễn tuyệt vời lại chỉ được 1 điểm?! Khán giả xì xào rồi ồ lên phản đối. Trọng tài và BTC hội ý chớp nhoáng. Và thông báo được đưa ra: Nadia đã giành 7 điểm 10 tuyệt đối và máy tính không đủ khung hình để hiển thị. Ông CEO của Omega đang ăn tối, lên cơn đau tim suýt không qua khỏi!

Ngoài kỳ tích phi thường ấy, Nadia còn là VĐV Rumani đầu tiên đoạt HCV Toàn năng tại Olympics. Thêm một HCV Cầu thăng bằng, cô góp phần quan trọng giúp đoàn Rumani xếp thứ hai trong bộ môn TDDC tại Montreal 1976. Bốn năm sau, tuy không thể lặp lại thành tích cũ, Nadia vẫn giành 2 HCV. Cùng với huyền thoại người Nga, Olga Korbut, cô là VĐV TDDC được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Năm 2000, Nadia Elena Comaneci được vinh dự trở thành thành viên Viện Hàn lâm Laureus, nơi tổ chức trao giải thưởng thường niên “VĐV Thể thao xuất sắc nhất hành tinh”.

Sau Nadia, lịch sử Olympic ghi nhận thêm 38 VĐV khác nhận điểm “pefect ten” trong môn TDDC. Nhưng kể từ 2006, không ai còn cơ hội này nữa, vì Liên đoàn TDDC Quốc tế (FIG) thay thang điểm 10 bằng cách tính điểm khác. CEO và team lập trình của Omega hẳn đang bạc đầu tính toán để không bị “sấp mặt” lần thứ 2.